Năm 1968 những chiếc que thử thai đầu tiên ra mắt thị trường dưới tên gọi “Predictor” do hai nhà hóa học người Mỹ, Margaret Crane và Dr. Judith Vaitukaitis phát triển. Hơn nữa thế kỷ qua, hàng tỷ chiếc que thử thai được tung ra thị trường. Nhờ vào sự phát triển liên tục của công nghệ và khoa học, những chiếc que thử thai đã giúp cho việc xác định thai hay không thai trở nên đơn giản và tiện lợi hơn rất nhiều cho một nửa xinh đẹp của nhân loại.
Que thử thai là điển hình của loại sản phẩm commodity. Sản phẩm commodity được xem như là một hàng hóa tiêu dùng thông thường, không có sự khác biệt đáng kể về chất lượng giữa các nhà sản xuất. Sản phẩm commodity được sản xuất và tiêu thụ ở quy mô lớn. Người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm dựa trên giá cả và tính sẵn có thay vì trung thành với một thương hiệu nào đó.
Cho dù công nghệ phát triển như thế nào đi chăng nữa thì chức năng của những chiếc que thử thai chưa bao giờ thay đổi. Đó chính là xác định việc có thai hay không. Bởi vì có nhiều thương hiệu cùng sản xuất ra những sản phẩm có cùng chức năng như thế nên mức giá của những chiếc que thử thai khá rẻ. Chúng có mức giá chừng 15.000 đồng tại Việt Nam, hoặc khoảng 0.7-1 USD tùy theo quốc gia.
Làm thế nào để có thể chiến thắng trong thị trường commodity, khi sản phẩm tương đồng nhau về giá cả và chất lượng?
Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh que thử thai chỉ tập trung vào chức năng của nó. Với góc nhìn của mô hình kinh doanh, đó là Jobs To Be Done (Việc Cần Làm) Chức Năng của khách hàng: xác định có thai hay không.
Tuy nhiên, điều khá thú vị là những chiếc que thử thai có thể mang đến những cảm xúc khác nhau. Những vết màu mờ ẩn hiện trên các vạch mang lại những cảm xúc trái ngược cho hàng tỷ phụ nữ và cho cả những người đàn ông có liên quan. Vết 2 vạch có thể làm bùng lên những khoảnh khắc hạnh phúc vô bờ, nhưng nó cũng có thể mang đến một tâm trạng não nề, chán ngán. Điều đó phụ thuộc vào mong ước của người phụ nữ đang cầm trên tay chiếc que thử thai vào sáng sớm. Những người mua que thử thai có 2 dạng cảm xúc: hồi hộp kỳ vọng hoặc lo lắng. Đó chính là Jobs To Be Done (JTBD) khác của khách hàng: Cảm Xúc.
Video clip sau sẽ cho bạn thấy sự khác biệt trong kinh doanh khi đặt khách hàng vào những lăng kính Jobs To Be Done (Việc Cần Làm) khác nhau: Chức năng, Cảm xúc, Ý nghĩa.
Một sản phẩm có cùng chức năng như nhau nhưng có thể được tiếp cận bằng JTBD cảm xúc hoặc ý nghĩa khác nhau. Một trong những cách xây dựng mô hình kinh doanh chiến thắng là chuyển dịch JTBD của khách hàng, nhìn xa hơn chức năng thông thường mà tìm câu trả lời từ JTBD cảm xúc và ý nghĩa. Đó là cơ hội rộng mở cho những bộ óc kinh doanh xuất sắc khi thiết kế mô hình kinh doanh chiến thắng cho mình.
SG
Mr Coach
Lâm Bình Bảo
CEO B Coaching
#WinningBusinessModel #JTBD