Các nhà tuyển dụng thường làm những gì để giữ chân nhân viên của mình? Tăng lương cho họ, phát triển sự nghiệp của họ?…
Các bạn biết, ai đến với mình với lý do gì thì họ sẽ đi vì điều đó.
Nếu ai đến vì tiền thì họ sẽ đi khi công ty không mang đến đủ tiền như họ mong muốn. Vì vậy phải giúp nhân viên có được nhiều tiền.
Nếu ai đến vì sự nghiệp thì họ sẽ đi khi họ cảm thấy rằng sự nghiệp của họ ở công ty không thăng tiến như họ mong muốn. Vì vậy hãy giúp họ thăng tiến.
Nếu ai đến vì tính cảm thì họ sẽ đi khi không còn tình cảm với công ty. Vì vậy hãy luôn duy trì tình cảm với họ.
Làm cách nào?
Tiền là thân, tình là tâm, sự nghiệp là trí.
Muốn thu phục nhân tâm thì hãy cho họ thật nhiều thân – tâm – trí.
Tạo điều kiện giúp cho họ phát huy hết năng lực của họ. Giúp họ làm giàu trí tuệ, tâm thức, phẩm chất, thể chất và vật chất.
Muốn họ ở lại thì phải đồng hành thân, tâm, trí với họ.
Và đừng quên hãy đãi ngộ xứng đáng với công sức và nỗ lực của họ.
Sau đây B Coaching sẽ tổng hợp lại 14 cách để giữ chân nhân viên.
Mục lục
- 1. Tuyển đúng người
- 2. Cho họ nhìn thấy cơ hội
- 3. Lợi ích
- 4. Mức lương cạnh tranh
- 5. Phần thưởng
- 6. Cung cấp các đặc quyền cho nhân viên
- 7. Quản lý bằng sự tin cậy
- 8. Tạo môi trường làm việc tuyệt vời
- 9. Ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống
- 10. Giao tiếp hiệu quả
- 11. Thiết lập phản hồi hai chiều
- 12. Làm cho nhân viên cảm thấy có giá trị
- 13. Không quản lý quá sát
- 14. Sự tôn trọng
1. Tuyển đúng người
Tất cả bắt đầu bằng việc tuyển đúng người chọn đúng vị trí. Bản mô tả công việc phải chi tiết và được cập nhật thường xuyên. Những người làm công việc tuyển dụng sẽ cần phải đánh giá kỹ lưỡng các ứng viên và đảm bảo rằng họ có các kỹ năng và tính cách phù hợp với công việc và văn hóa của công ty.
Nếu bạn đang làm trong ngành dịch vụ, bạn nên tuyển những nhân viên có kiến thức cơ bản trong ngành. Nếu bạn đang tuyển dụng cho các vị trí giám sát hoặc quản lý, điều quan trọng là phải tuyển những người có khả năng về đào tạo vì điều này sẽ làm giảm tỷ lệ chuyển việc. Nếu bạn đang tìm kiếm nhân viên bán thời gian thì hãy hợp tác với các trường đại học và cao đẳng.
2. Cho họ nhìn thấy cơ hội
Nếu nhân viên không nhìn thấy được tương lai của công ty họ sẽ tìm kiếm những cơ hội tốt hơn ở những nơi khác. Nếu bạn tạo cho họ được một môi trường mà phát triển được các kỹ năng và giúp ích được nhiều trong con đường phát triển sự nghiệp của họ thì nhiều khả năng họ sẽ trung thành với công ty hơn.
Cố vấn cho những nhân viên tài năng nhìn thấy được triển vọng phát triển nghề nghiệp hấp dẫn. Họ thà ở lại một công ty mà cung cấp cho họ điều này hơn là đến một công ty khác cung cấp cho họ mức lương cao hơn. Một cách để khuyến khích họ tiếp tục tiến bộ là giúp họ học tập và thực hành dễ dàng hơn. Bạn có thể đầu tư cho họ đi học ở các trung tâm hoặc là ở nước ngoài.
Một quy tắc vàng để giữ chân nhân viên:
Đánh giá cao nhân viên và họ sẽ coi trọng khách hàng của bạn.
Điều quan trọng là phải tạo ra 1 hệ thống đánh giá rõ ràng và minh bạch để đánh giá sự phát triển và công nhận thành tích. Những nhân viên giỏi nhất sẽ muốn được thử thách và cảm thấy như là họ đang phát triển.
3. Lợi ích
Các công ty cung cấp nhiều lợi ích nhất cho nhân viên, có nhiều khả năng giữ chân nhân viên hơn. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy lợi ích liên quan đến sức khỏe là quan trọng nhất, tiếp theo là quỹ hưu trí. Với chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, một kế hoạch phúc lợi sức khỏe tốt cho nhân viên là điều cần thiết để tuyển dụng nhân tài hàng đầu.
Các chương trình chăm sóc sức khỏe cung cấp thông tin sức khỏe và giúp nhân viên hiểu thêm về các chỉ số nguy cơ sức khỏe của họ và thực hiện những thay đổi tích cực. Điều này có thể cải thiện năng suất và giảm tình trạng đau ốm.
Những nhà tuyển dụng cung cấp thời gian làm việc ngoài giờ được trả lương hậu hĩnh sẽ tránh được tình trạng kiệt sức và giữ chân nhân viên thành công hơn. Nhân viên đánh giá cao lợi ích được nghỉ ngơi mà không bị trừ lương. Nhiều nhân viên coi trọng điều này hơn là 1 mức lương cao! Các lợi ích quan trọng khác là tiền thưởng hiệu suất, thời gian nghỉ thai sản và giờ làm việc linh hoạt.
4. Mức lương cạnh tranh
Nhân viên muốn được trả công xứng đáng, hoặc họ đi tìm kiếm nơi khác. Thử khảo sát trên thị trường xem thử mức lương cho vị trí công việc đó là bao nhiêu và đảm bảo bạn có thể cung cấp mức lương ngang bằng hoặc thậm chí là hơn. Mức lương có thể là một trong những yếu tố cạnh tranh nhất đối với người tìm việc, vì vậy nếu bạn không muốn mất những ứng viên giỏi nhất vì họ nhận được lời đề nghị tốt hơn thì hãy trả lương xứng đáng.
5. Phần thưởng
Phần thưởng bạn trao cho nhân viên phải đáp ứng được nhu cầu tình cảm của họ chứ không chỉ thể hiện bằng vật chất. Sự ghi nhận trước toàn thể công ty, các bữa tiệc của công ty và bộ phận, các dự án, ăn trưa với sếp, đồng phục, sổ tay, v.v., tất cả đều có thể góp phần tạo nên văn hóa tích cực của công ty và cũng có thể là những động lực xây dựng tinh thần tốt.
6. Cung cấp các đặc quyền cho nhân viên
Mặc dù một số công ty lớn thì có ngân sách để cung cấp các đặc quyền xa hoa cho nhân viên như xe hơi của công ty và các kỳ nghỉ của nhân viên, nhưng các đặc quyền của nhân viên không cần phải quá lớn mà nó có thể là một cái gì đó đơn giản như được chọn phương án làm việc từ xa hoặc được về sớm vào thứ 6, có thể hữu ích để giữ cho nhân viên của bạn. Cung cấp các đặc quyền dành riêng cho công ty của bạn cũng sẽ giúp phân biệt bạn với các nhà tuyển dụng khác khi tuyển dụng.
7. Quản lý bằng sự tin cậy
Nếu nhân viên tin tưởng rằng một công ty đang đi đúng hướng, họ sẽ ít có khả năng rời đi. Giao tiếp cởi mở là điều cần thiết để xây dựng niềm tin đó và sẽ nuôi dưỡng ý thức làm chủ trong toàn thể nhân viên. Phong cách lãnh đạo mới không dựa vào quyền lực để ép mọi người làm theo ý mình. Nó dựa trên mối quan hệ, sự minh bạch và sự tin tưởng.
Thể hiện rằng bạn tin tưởng nhân viên của mình bằng cách yêu cầu họ đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng. Điều này có thể liên quan đến việc yêu cầu ai đó điều hành một cuộc họp quan trọng cho bạn hoặc thuyết trình.
8. Tạo môi trường làm việc tuyệt vời
Một môi trường làm việc khiến mọi người cảm thấy được hòa nhập sẽ khuyến khích nhân viên ở lại. Các không gian làm việc mở đang trở nên phổ biến.
Nhân viên muốn tận hưởng nơi họ làm việc. Nhiều công ty đang xem xét và cố gắng làm cho không gian làm việc hấp dẫn hơn để giữ chân nhân viên. Ví dụ, có các phòng gyms chẳng hạn, kết thúc giờ làm việc mọi người có thể đến và tập luyện.
Một số tiện nghi tuyệt vời ở văn phòng như cà phê và đồ ăn nhẹ miễn phí, bàn bi-a hoặc phòng thiền cũng làm cho nhân viên muốn gắn bó hơn với công ty. Lễ kỷ niệm sinh nhật, tiệc tùng như một phần thưởng cho những dự án thành công và những buổi đi chơi chung vào thứ Sáu có thể giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
9. Ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã trở nên quan trọng đối với nhân viên hơn bao giờ hết. Bạn cần phải thừa nhận rằng nhân viên cũng có 1 cuộc sống riêng. Nếu bạn thường xuyên bắt họ đến sớm và làm việc sau giờ hành chính, chắc chắn họ sẽ bắt đầu tìm kiếm công việc khác.
Với khả năng làm việc từ xa mọi người đã trở nên dễ dàng hơn khi làm việc mà không cần phải đến văn phòng. Làm việc từ xa mang lại sự linh hoạt mà nhân viên mong muốn. Một lịch trình linh hoạt thường rất quan trọng đối với các bậc phụ huynh đang đi làm. Điều đó không có nghĩa là họ sẽ không làm việc theo cùng một số giờ, mà là họ có thể quản lý công việc của mình ngoài giờ làm việc bình thường. Họ thường sẽ làm việc nhiều giờ hơn mức tối thiểu trần nếu họ được phép chọn phương án này.
Ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân rất khác biệt. Việc các sếp đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sự riêng tư của nhân viên được coi là không phù hợp. Bắt đầu từ hôm nay, thừa nhận rằng nhân viên của bạn là những cá nhân toàn diện. Và ngoài công việc ra bạn có thể dành sự quan tâm đến họ (như là hỏi thăm gia đình,…) để cho họ không cảm thấy khoảng cách giữa sếp và nhân viên.
10. Giao tiếp hiệu quả
Nhân viên muốn được cập nhật về những gì đang xảy ra trong công ty, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải cập nhật cho nhân viên về bất kỳ thay đổi quan trọng nào đối với doanh nghiệp, khách hàng/ dự án mới, v.v. Họ cũng muốn cảm thấy như họ đang được lắng nghe và các ý tưởng của họ được chọn để thực hiện, vì vậy điều cần thiết là họ được tạo cơ hội để đóng góp và truyền đạt bất kỳ đề xuất kinh doanh nào. Bằng cách thu hút nhân viên của bạn và cập nhật thông tin, họ sẽ cảm thấy được đánh giá cao hơn.
11. Thiết lập phản hồi hai chiều
Nhiều ông chủ không nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp với nhân viên và khiến họ cảm thấy thiếu kết nối. Hồi đáp của các sếp đối với email từ nhân viên có thể chỉ bao gồm một hoặc hai từ và nhiều lần họ thậm chí có thể không trả lời gì cả.
Mọi người ngày nay nghiện hồi đáp – khi chúng ta nhấn nút gởi, điều gì sẽ xảy ra, khi chúng ta gửi tin nhắn văn bản, chúng ta nhận được phản hồi, khi chúng ta chơi trò chơi, chúng ta nhận được điểm số. Nhân viên thường gặp phải tình trạng thiếu phản hồi khi họ vào văn phòng. Họ không biết mình có đang làm đúng không và điều này khiến họ không thoải mái. Phản hồi giúp cho nhân viên cảm thấy an tâm về mọi chuyện đang diễn ra. Khi bạn lắng nghe họ, điều đó cho thấy rằng bạn coi trọng họ.
12. Làm cho nhân viên cảm thấy có giá trị
Có nhiều cách nhỏ để thể hiện rằng bạn coi trọng nhân viên của mình. Chỉ cần ghi nhận đóng góp của họ và nói “cảm ơn em” hoặc “great job” có thể tạo ra sự khác biệt lớn .
Điều này không có nghĩa là bạn lúc nào cũng phải khen ngợi nhân viên, nhưng nếu ai đó hoàn thành xuất sắc một dự án nào đó thì điều đó nên được công nhận.
Những đặc quyền nhỏ như bữa ăn miễn phí, vé giữ xe tháng và lên lịch linh hoạt đều giúp nâng cao tinh thần. Phần thưởng cho một công việc hoàn thành tốt có thể có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như là tiền hoặc voucher đi ăn hoặc vé xem phim,…
13. Không quản lý quá sát
Cách tốt nhất để quản lý thường là cung cấp cho nhân viên của bạn định hướng rõ ràng, cho phép họ có nhiều không gian để làm những gì họ phải làm và đưa ra cho họ phản hồi. Họ có thể thực hiện công việc theo một cách hoàn toàn khác với bạn, nhưng điều này không thành vấn đề miễn là họ đạt được kết quả.
Nếu lúc nào bạn muốn biết những gì nhân viên đang làm, họ cảm thấy mình không được tin tưởng và có nhiều khả năng rời đi. Những người sử dụng lao động mà có quá nhiều quy định cứng nhắc thì sẽ khó giữ được nhân viên lâu. Những quy tắc được đặt ra là vì người quản lý sợ nhân viên làm không đúng nhưng nếu nhân viên làm những công việc sáng tạo thì họ phải được thư giãn và được phép làm theo cách của mình để hoàn thành công việc.
14. Sự tôn trọng
Nhân viên muốn họ được tôn trọng và đánh giá cao. Như câu nói này, mọi người có thể dễ dàng quên những điều bạn đã nói, nhưng họ sẽ luôn nhớ cách bạn đã khiến họ cảm thấy như thế nào. Nếu các nhà quản lý thường xuyên thể hiện sự tôn trọng với nhân viên, thì sẽ hình thành nên một văn hóa nơi làm việc bền vững và lâu dài cũng như tạo cho nhân viên những kỷ niệm tích cực mà họ sẽ không bao giờ quên.
Trên là tổng hợp các cách giữ chân nhân viên mà B Coaching giới thiệu đến bạn. Điều quan trọng cần phải ghi nhớ là một cam kết lâu dài đòi hỏi nỗ lực theo cả hai phía. Nếu bạn mong đợi và hy vọng rằng nhân viên sẽ thực hiện và giữ cam kết lâu dài với công ty của bạn, thì bạn hãy cho họ lý do chính đáng để ở lại.