Mục lục
Câu chuyện của Cáo
Dear Mr CEO,
Trong một buổi sáng mùa đông đầy tuyết, Cáo ngồi thơ thẩn bên cạnh tảng đá lớn, suy tư ngẫm nghĩ làm cách nào để sống qua mùa đông khắc nghiệt này. Bỗng dưng Cáo thấy Sói xuất hiện. Mặt mũi Sói đăm chiêu, đi vòng quanh tảng đá, dò dẫm từng bước thận trọng, mắt chằm chằm nhìn xuống tuyết, miệng lẩm bẩm ra chiều quan trọng.
Thấy vậy, Cáo cất tiếng hỏi “Anh Sói ơi, anh suy nghĩ gì mà đăm chiêu thế?” Nghe tiếng của Cáo, Sói đưa tay lên miệng “Suỵt!” ra hiệu cho Cáo im lặng và vẫy tay kêu Cáo đi về phía mình. Thấy việc có vẻ quan trọng, Cáo rón rén nhẹ nhàng bước đến cạnh Sói.
Sói ghé tai Cáo thì thầm “Tôi đang theo dõi dấu vết” ra dáng như là thám tử Sherlock Holmes
Cáo thì thầm hỏi lại “Dấu vết gì?”
“Dấu chân. Có 1 con sói mới xuất hiện, dấu chân nó đây!” Sói tiếp tục dò dẫm. Cáo lon ton theo sau. Quả là kinh ngạc. Khu rừng này trước giờ chỉ có 1 sói. Như vậy từ nay Sói sẽ có thêm đối thủ. Thảo nào Sói đăm chiêu, lo lắng. Cáo thầm nghĩ.
“Suỵt!” Sói lại thì thầm vào tai Cáo “lại thêm dấu chân của 1 con sói mới nữa xuất hiện.
Sói và Cáo căng thẳng, đi vòng tảng đá, bước tiếp theo dõi từng dấu chân. Chúng vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra rằng ngày càng có nhiều dấu chân mới in trên tuyết của nhiều sói và thậm chí xuất hiện thêm nhiều dấu chân của những loài nhỏ hơn như cáo chẳng hạn.
Hoảng hồn, cả hai ngơ ngác nhìn nhau, âu lo vì trong rừng nay xuất thêm nhiều đối thủ tranh giành thực phẩm. Làm sao sống nổi qua mùa đông này? Cả hai hoảng sợ kéo nhau bỏ chạy.
Có 1 chú khỉ, nãy giờ ngồi trên mõm đá cao, quan sát thấy Sói và Cáo đăm chiêu đi vòng vòng quanh tảng đá rồi bỏ chạy thì bật cười khanh khách và phóng đi.
Mr CEO, bạn có giống như Cáo và Sói không? Suốt ngày cắm đầu cắm cổ xoay mòng trong vòng xoáy thương trường mà không biết mình đang dẫm vào vết chân cũ không lối thoát. Bạn có nghĩ rằng chỉ cần dành thời gian, nhìn toàn cục, định hướng chiến lược cho mình thì sẽ không xoay vòng vô định như Cáo và Sói? Thật ra trong kinh doanh xây dựng chiến lược kinh doanh hoàn toàn không hề khó. Chỉ cần có phương pháp và tư duy đúng.
Chiến lược là bước đi trong thế liên hoàn nhằm trả lời 5 câu hỏi sau
1. Mục tiêu của doanh nghiệp là gì?
Thông thường các mục tiêu của doanh nghiệp là tăng trưởng (doanh thu, thị phần, lợi nhuận) hoặc/và giảm chi phí.
2. Kinh doanh trong thị trường nào?
Thị trường ở đây bao gồm ngành, khu vực địa lý và phân khúc khách hàng mục tiêu. Điều quan trọng khi xác định phân khúc khách hàng mục tiêu là dựa vào “Việc cần làm của khách hàng” để hiểu rõ nỗi đau và lợi ích mà khách hàng tìm kiếm.
3. Công thức chiến thắng là gì?
Công thức chiến thắng bao gồm tập hợp các giá trị mang đến cho phân khúc khách hàng mục tiêu, cách thức thu hút khách hàng mục tiêu bằng hình ảnh, uy tín, thương hiệu và cách thức xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Thông thường có 4 chiến lược tập hợp giá trị: tổng chi phí thấp, sản phẩm dẫn đầu, giải pháp toàn diện và gắn chặt vào hệ thống. Nói nôm na là doanh nghiệp phải xây dựng công thức chiến thắng xoay quanh 3 yếu tố: giá trị, marketing và bán hàng.
4. Doanh nghiệp cần làm gì để chiến thắng?
Trả lời câu hỏi này là xác định các hoạt động chiến lược và hệ thống để tạo ra công thức chiến thắng trong thị trường mục tiêu. Có 4 nhóm hoạt động chiến lược và từ đó doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống phù hợp. Chúng là: marketing, bán hàng & quản lý khách hàng; vận hành nhằm tạo ra giá trị cho khách hàng; sáng tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm: hoạt động an toàn & điều tiết như bảo đảm chất lượng, kiểm soát rủi ro, bào đảm an toàn, bảo vệ môi trường.
5. Doanh nghiệp cần nhân lực gì để chiến thắng?
Sau khi trả lời 4 câu hỏi trên, bước kế tiếp là xây dựng nguồn nhân lực sẵn có, đủ số lượng và có năng lực đúng để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược.
Mr CEO, tôi không chắc điều này có liên quan đến bạn không nhưng bạn có lựa chọn. Hoặc bạn sẽ suốt ngày cúi đầu dẫm vào những vết chân cũ hoặc bạn dành thời gian nhìn từ trên cao để xác định hướng đi của mình. Và bạn biết những CEO có tầm nhìn rộng cần phải làm gì!
Chúc bạn thành công!
Mr Coach
Lâm Bình Bảo